Canvas Model – Bản kế hoạch kinh doanh trên 1 trang giấy

Mô hình Canvas sẽ giúp bạn có thể xây dựng và phân tích một kế hoạch kinh doanh chỉ trên một trang giấy. Thay vì một bản kế hoạch dày cộp như thông thường, bằng việc đơn giản hóa theo cách trực quan, dễ nắm bắt nhưng vẫn đem lại cái nhìn tổng quát khiến cho mô hình Canvas ngày càng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng Startup hiện nay.

Mô hình Lean Canvas là một dạng biến thể của mô hình Canvas ban đầu. Nếu như mô hình Canvas phù hợp với những doanh nghiệp đã và đang thực hiện công việc kinh doanh thì Lean Canvas lại tỏ ra hữu ích nhất đối với các StartUp có cơ hội nhìn lại mô hình kinh doanh của mình để có những bước điều chỉnh thích hợp, giúp họ xây dựng những sản phẩm phù hợp với thị trường.

Canvas model

Lean Canvas bao gồm 9 phần chính sau đây:

1. Problem: Vấn đề

Có rất nhiều StartUp thất bại bởi vì không xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Bạn phải tìm kiếm và giải quyết một vấn đề đang tồn tại trên thị trường và điều đó phải đem lại giá trị cho khách hàng của bạn. Sau đây là 3 cách giúp bạn hoàn thiện nội dung phần này:

– Liệt kê ra 3 vấn đề mà StartUp của bạn giúp giải quyết nhu cầu cần đáp ứng của khách hàng.

– Liệt kê các giải pháp thay thế hiện có trên thị trường.

– Xác định vai trò của người dùng tương tác như thế nào với khách hàng. Ví dụ trong dịch vụ chia sẻ hình ảnh, khách hàng là người chụp ảnh nhưng những người dùng là người xem ảnh ( gia đình, bạn bè, …)

2. Customer segment: Phân đoạn khách hàng

Ai sẽ là khách hàng của bạn ? Bạn chọn phân khúc khách hàng nào ? Bạn phải làm rõ khách hàng mục tiêu mà bạn hướng đến. Đó có thể là ở thị trường đại chúng (mass market) , thị trường ngách (niche market) hay thị trường hỗn hợp (multi –sided market).

3.Unique Value Proposition (UVP) : Giá trị cốt lõi

Đây là phần quan trọng nhất của mô hình Canvas và cũng là phần khó diễn giải chính xác nhất. Bởi vì bạn phải chắt lọc những gì cốt lõi nhất của sản phẩm trong một vài từ, đồng thời nêu lên điểm khác biệt so với những đối thủ cạnh tranh. Nói cách khác, UVP là lí do để khách hàng sẽ chọn sản phẩm/ dịch vụ của bạn. Có thể đó là thiết kế độc đáo, giá cả tối ưu, vận chuyển nhanh chóng…Một số gợi ý để giúp bạn hoàn thành ô này :

– Đặt mình vào vị trí khách hàng và nhìn sản phẩm/ dịch vụ của mình dưới góc độ của họ.

– Tập trung vào những gì khách hàng sẽ nhận được sau khi sử dụng sản phẩm của bạn.

– Điểm khác biệt, lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ trên thị trường.

4. Solution : Giải pháp

Khi bạn đã hiểu rõ được vấn đề ở phần 1, bạn sẽ phải đưa ra những giải pháp cho những vấn đề đó. Solution là nơi bạn thể hiện tính năng, đặc điểm chính, phương pháp của bạn mà qua đó, khách hàng sẽ nhận ra được các giá trị (UVP) của sản phẩm/ dịch vụ của bạn.

5. Channel : Kênh xúc tiến

Đây là cách kênh, phương thức mà bạn tiếp xúc với khách hàng của mình. Thông thường sẽ có 4 loại kênh chính mà bạn cần xác định: kênh truyền thông, kênh phân phối, kênh bán hàng, kênh hỗ trợ khách hàng. Bạn hãy nêu ngắn gọn phương thức mà bọn chọn trong từng loại kênh trên. Ví dụ truyền thông online hay offline, bán hàng riêng lẻ hay bán theo từng lô hàng….

6. Revenue Stream : Dòng doanh thu

Doanh thu của bạn sẽ được bắt nguồn từ đâu ? Lợi nhuận biên trên mỗi sản phẩm là bao nhiêu ? Bạn phải hiểu rõ được luồng lợi nhuận dự kiến thu được từ khách hàng của bạn theo tháng, quý, hay năm..

7. Cost structure : Cấu trúc chi phí

Mô tả tất cả các chi phí cần thiết để duy trì và điều hành một công việc kinh doanh. Bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi.

8. Key metrics : Số liệu chính

Những con số thống kê sẽ giúp bạn nhìn nhận và đánh giá khách quan về tình hình kinh doanh của StartUp và cho biết bạn cần phải điều chỉnh gì. Bạn hãy chọn những chỉ tiêu đánh giá quan trọng phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình chẳng hạn như lượt page view, lượt đăng kí mỗi ngày…

9. Unfair Advantages. Lợi thế cạnh tranh

Khái niệm này nhằm chỉ ra những thứ sẽ giúp bạn giành chiến thắng trước những đối thủ cạnh tranh. Là thứ mà không dễ để copy theo và chỉ có bạn mới có. Nó là một phần lợi thế cạnh tranh của bạn tạo nên. Đó có thể là nguồn lực về con người, công nghệ hay văn hóa công ty…

Tham khảo Internet

shares
Xin chào! Bạn cần hỗ trợ?